CẢNH GIÁC: PHÒNG TRÁNH KINH DOANH ĐA CẤP BIẾN TƯỚNG TRONG SINH VIÊN
Dạo gần đây, sau khi lướt qua các bài viết, bình luận của các bạn sinh viên trên mạng xã hội cũng như nhận được một số phản ánh của các bạn sinh viên về việc các đối tượng kinh doanh đa cấp biến tướng tiếp tục tiếp cận và mời sinh viên tham gia hình thức kinh doanh này, có một số hậu quả không hay mang lại, TT CSNH tổng hợp bài viết dưới đây với mong muốn một lần nữa cảnh báo vấn nạn này đối với sinh viên trường chúng ta, hy vọng các bạn tham khảo bài viết dưới đây được tổng hợp từ một số bài báo:
Kinh doanh đa cấp biến tướng như thế nào?
Kêu gọi góp vốn với con số cực nhỏ
Để lôi kéo nhiều người tham gia vào mạng lưới bán hàng, thông thường các đối tượng và công ty đa cấp sẽ chào mời người bán với số vốn rất nhỏ và hứa hẹn những khoản lợi nhuận hấp dẫn nhằm đánh vào tâm lý của rất nhiều đối tượng ham làm giàu, từ học sinh, sinh viên, đến các bà nội trợ, những người đã về hưu,…
Yêu cầu đặt cọc, mua hàng:
Bất cứ yêu cầu bắt buộc mua hàng hóa, đặt cọc, phải nộp tiền là điều kiện để tham gia hệ thống công ty đa cấp đều là biểu hiện của hoạt động đa cấp biến tướng, vi phạm quy định pháp luật.
Theo quy định pháp luật lao động, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động và không được thu học phí của người tham gia học nghề.
Liên tục tuyển dụng cộng tác viên:
Khi bạn được giới thiệu về một doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bạn cần quan sát các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp đó. Khi doanh nghiệp đó chỉ chú trọng tổ chức các buổi tuyển dụng mà không tổ chức đào tạo bán hàng cho nhà phân phối thì bạn cần cẩn trọng.
Nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp bất chính chỉ tồn tại nhờ số tiền những người mới gia nhập bỏ ra mua hàng. Công ty thu lợi nhuận từ khoản tiền này và cũng dùng khoản này để chia hoa hồng cho những người có công tuyển dụng.
Những doanh nghiệp như vậy sẽ không tồn tại được khi không tuyển thêm được người hoặc khi người được tuyển không mua hàng, vì họ không chú trọng bán hàng, không có nguồn doanh thu từ việc tiêu thụ hàng hóa. Khi đó tuyển dụng là yêu cầu sống còn đối với hình thức kinh doanh này.
Không chú trọng vào chất lượng sản phẩm:
Công ty đa cấp biến tướng luôn tìm cách “tẩy não” người tham gia với các điệp khúc như: tương lai của bạn là do bạn quyết định đừng bao giờ bị cản trở bởi người khác, muốn thành công thì phải hành động dù đó là hành động sai trái như lấy tiền của gia đình và nói dối, muốn làm chủ thì phải bỏ tiền đầu tư…
Khi đó, họ chỉ tập trung hướng dẫn bạn phải kéo thật nhiều người tham gia chứ không nói gì về sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm hay việc sản xuất các sản phẩm ấy.
- Bản chất của hoạt động bán hàng đa cấp là giới thiệu, chia sẻ về các sản phẩm chất lượng tốt để bán các sản phẩm đó cho người tiêu dùng. Như vậy, nếu sản phẩm không tốt thì bạn không có gì để giới thiệu, chia sẻ và do đó sẽ khó bán được hàng, khó có thể kiếm được tiền hoa hồng.
Hướng dẫn sinh viên các cách thức huy động vốn dẫn tới vi phạm pháp luật
Hướng dẫn hoặc cung cấp các loại email, thông báo (dạng hình ảnh) giả mạo về việc thông báo nhận được học bổng, giảm học phí vì có thành tích… để gửi về gia đình làm minh chứng cho việc xin tiền để nộp cho Nhà trường.
Hướng dẫn hoặc cung cấp các ủy nhiệm chi ngân hàng, hóa đơn thu học phí (dạng hình ảnh) giả mạo để thông báo cho gia đình về việc đã thực hiện đóng học phí nhưng thực tế là dùng tiền đó để mua sản phẩm của công ty đa cấp.
Trên đây là các hành vi làm giả và sử dụng thông tin giả mạo, tài liệu mạo của cơ quan tổ chức để thực hiện hành vi lừa gia đình phổ biến trong sinh viên thời gian qua khi tham gia bán hàng đa cấp do nhân sự của công ty đa cấp xúi giục và hướng dẫn thực hiện. Với hành vi này làm ảnh hưởng đến uy tín của các Nhà trường và vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Các hình thức tiếp cận sinh viên:
Gặp gỡ sinh viên tại các địa điểm công cộng, tập trung đông người như công viên, khu vui chơi, quán cà phê, trường học, xe buýt, bến xe,…
Tiếp cận sinh viên với vai trò là anh/chị cựu sinh viên, sinh viên khóa trên
Tiếp cận Tân sinh viên từ các địa phương khác nhau về TP. HCM học thông qua theo dõi các fanpage của các trường.
Mạo danh một số doanh nghiệp tiếp cận sinh viên qua email/số điện thoại mà các bạn vô tình để lộ thông tin ở đâu đó.
Nhìn chung, sinh viên cần tỉnh táo, tìm hiểu kĩ các thông tin trước các hình thức mời gọi kinh doanh với một trong các biểu hiện trên. Các đối tượng thường lợi dụng sự “nhẹ dạ cả tin” của các bạn sinh viên, sự mong muốn làm giàu nhanh chóng, muốn trang trải học phí, phụ giúp gia đình, kiếm thêm tiền trong thời gian nhàn rỗi,… Nhưng, hãy nhớ rằng, khi bạn đã lỡ chân vào con đường này thì có những hệ lụy rất đáng lo ngại như tiền mất tật mang, học tập sa sút, nghỉ học, ảnh hưởng đến sức khỏe - tinh thần của bản thân, ảnh hưởng đến người thân gia đình, bạn bè và cả lòng tin của những người xung quanh. Đặc biệt, sau khi bị lừa đảo chính các bạn là những người không dám đứng lên đấu tranh, phản bác những đối tượng, hành vi sai trái đó để kéo thêm những người khác chung hệ lụy.