VHU TÍCH CỰC PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS
HIV từ lâu đã trở thành đại dịch toàn cầu, tính từ lần đầu tiên phát hiện vào năm 1981 đến nay, HIV đã lây nhiễm cho hơn 72 triệu người, có thể thấy đây là dịch bệnh rất nguy hiểm cho nhân loại. Chúng ta, những chàng trai, cô gái phơi phới tuổi mười tám, đôi mươi tại Trường Đại học Văn Hiến cần và nên hiểu rõ về HIV/AIDS để có cách phòng tránh hiệu quả, chung tay “Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.
I. HIV/AIDS LÀ GÌ?
- HIV (Human Immunodeficiency Virus) là vi rút tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể người.
- AIDS (Acquired Immuno Deficiency Syndrom) là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Người nhiễm HIV không được điều trị có thể dẫn đến AIDS.
HIV chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng nếu người nhiễm đảm bảo điều trị hiệu quả thì có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và bảo vệ được bạn tình, người thân.
II. CÁC CON ĐƯỜNG LÂY TRUYỀN HIV
Có 3 con đường lây truyền HIV:
1. Đường máu
HIV có rất nhiều trong máu người nhiễm. Thường lây truyền qua việc dùng chung bơm tim tiêm (nhất là người tiêm chích ma túy), truyền máu chưa sàng lọc, kim xăm da, qua các vết xước trên da, niêm mạc…
2. Quan hệ tình dục không an toàn
Quan hệ tình dục với một hay nhiều bạn tình mà không biết họ có nhiễm HIV hay không; Sử dụng bao cao su không thường xuyên và không đúng cách; Quan hệ tình dục trong khi bản thân hoặc bạn tình còn đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Tất cả các hình thức quan hệ tình dục (dương vật - hậu môn; dương vật - âm đạo; dương vật - miệng) với một người nhiễm HIV đều có nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, mức độ nguy cơ là khác nhau, nguy cơ cao nhất là qua đường hậu môn, rồi tiếp đến là qua đường âm đạo và cuối cùng là qua đường miệng. Người nhận tinh dịch có nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn.
3. Truyền từ mẹ sang con
Tỷ lệ trẻ em sinh ra bị nhiễm HIV từ những người mẹ bị nhiễm HIV là 25-40%. HIV có thể lây từ mẹ sang bé qua nhau thai khi bé trong bụng mẹ, qua máu và chất dịch của mẹ khi sinh hoặc qua sữa mẹ khi mẹ cho con bú.
III. TRIỆU CHỨNG
Biểu hiện của HIV qua từng giai đoạn như sau:
1. Giai đoạn tiên phát (còn gọi là thời kỳ cửa sổ):
Đây là giai đoạn virus HIV di chuyển vào trong máu và đang nhân lên với số lượng lớn.
- ▫Sốt nhẹ 37,5 – 38,5 độ C kèm theo ớn lạnh, có thể xuất hiện hồng ban toàn thân.
- ▫Đau đầu, đau họng.
- ▫Sưng hạch ở bẹn, cổ, nách.
- ▫Cơ thể mệt mỏi và buồn ngủ.
- ▫Thường xuyên cảm thấy đau nhức cơ, xương khớp.
- ▫Buồn nôn, tiêu chảy.
- ▫Sụt cân.
- ▫Các triệu chứng có thể nhẹ, khiến người bệnh không chú ý đến.
2. Giai đoạn tiềm tàng - không có triệu chứng:
Thời gian từ 5 đến 7 năm, cơ thể vẫn khỏe mạnh bình thường. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.
3. Giai đoạn cận AIDS:
Người bệnh có thể gặp các triệu chứng như: Sút cân nhẹ; loét miệng; phát ban sẩn ngứa; nhiễm herpes zoster, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái phát,…. Xét nghiệm cho kết quả dương tính.
4. Giai đoạn AIDS:
Hệ miễn dịch bị phá hủy và suy yếu nghiêm trọng, người bệnh dễ dàng tử vong vì các nhiễm trùng cơ hội. Biểu hiện lâm sàng của AIDS là các rối loạn liên quan đến suy yếu hệ miễn dịch:
- Cơ thể suy nhược, tiều tụy
- Sụt cân mạnh ( >10% trọng lượng cơ thể)
- Sốt cao kéo dài và nổi hạch toàn thân
- Viêm họng, lở loét miệng, nấm miệng, viêm nhiễm đường hô hấp, lao phổi, viêm màng não, viêm não do vi sinh vật...
- Bệnh ác tính (ung thư cổ tử cung, ung thư hạch)
Giai đoạn này thường không kéo dài quá 2 năm. Càng về những giai đoạn sau, việc điều trị cho đáp ứng thấp và khả năng tử vong cao.
Ở 2 giai đoạn cuối, người bệnh vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho người khác.
IV. CÁCH PHÒNG, TRÁNH:
Dựa vào đường lây nhiễm HIV, có các biện pháp phòng sau:
1. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường máu
- Không tiêm chích ma túy.
- Chỉ truyền máu và các chế phẩm máu khi thật cần thiết, và chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã xét nghiệm HIV.
- Chỉ sử dụng bơm kim tiêm vô trùng. Không dùng chung bơm kim tiêm. Sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, xăm, xỏ lỗ, châm cứu...
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm HIV.
- Dùng riêng đồ dùng cá nhân: dao cạo, bàn chải răng, bấm móng tay, ...
2. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây qua đường tình dục
- Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều chưa bị nhiễm HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
- Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV không, cần phải thực hiện tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
- Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.
3. Phòng nhiễm HIV/AIDS lây truyền từ mẹ sang con
- Người phụ nữ bị nhiễm HIV thì không nên có thai, nếu đã có thai thì không nên sinh con.
- Trường hợp muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
- Sau khi đẻ nếu có điều kiện thì nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ.
V. LÀM GÌ KHI NGHI NGỜ PHƠI NHIỄM VỚI HIV
- Phơi nhiễm qua các vết thương cần rửa sạch ngay dưới vòi nước sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn trong vòng 5 phút.
- Phơi nhiễm qua đường niêm mạc cần rửa sạch bằng nước muối sinh lý NaCl 0,9% trong vòng 5 phút.
- Trong 72 giờ đầu tính từ lúc phơi nhiễm, việc dùng thuốc dự phòng chống phơi nhiễm HIV mang lại hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm cao. Trong vài giờ đầu tỷ lệ thành công chống lây nhiễm lên đến 95 - 99%.
Việc phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm của toàn xã hội, cần sự chung tay của mỗi cá nhân, nhất là thế hệ trẻ sinh viên đang ngồi trên ghế Nhà trường phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về phòng chống HIV/AIDS, tránh xa các tệ nạn xã hội, có lối sống lành mạnh, chủ động trong các mối quan hệ, tích cực tham gia các phong trào tuyên truyền nhằm đẩy lùi đại dịch.